Cầm quyền Gia_tộc_Nehru-Gandhi

Năm 1947, Ấn Độ giành độc lập, Jawaharlal trở thành thủ tướng và nắm giữ chức vụ cho đến khi ông từ trần năm 1964. Em gái ông, Vijaya Lakshmi Pandit (1900-1990) cũng nổi bật trên chính trường trong vai trò của một nhà ngoại giao, là đại sứ tại Liên Xô, Cao ủy tại Vương quốc Anh, và năm 1953, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nehru đề bạt người con duy nhất của ông, Indira Gandhi (1917-1984) (mang họ Gandhi sau khi kết hôn với Feroze Gandhi), vào nội các. Đến năm 1966, sau thời gian cầm quyền ngắn ngủi của Lal Bahadur Shastri, Indira trở thành thủ tướng và nắm giữ chức vụ này cho đến khi bị đánh bại trong cuộc tuyển cử năm 1977. Trong những năm cầm quyền, Indira Gandhi đề bạt con trai út của bà, Sanjay Gandhi (1946-1980) vào các vị trí chủ chốt. Hành vi lạm quyền của người con trai là một trong những lý do dẫn đến sự thất bại của chính phủ trong kỳ bầu cử năm 1977. Sanjay thiệt mạng trong một tai nạn máy bay năm 1980.

Indira Gandhi trở lại nắm quyền trong năm 1980 và ở lại chức vụ này cho đến khi qua đời năm 1984. Sau khi ra lệnh tấn công vào địa điểm thờ phụng thiêng liêng nhất của đạo Sikh, Đền thờ Vàng, Indira bị ám sát bởi chính các cận vệ người Sikh của bà. Người kế nhiệm Indira Gandhi là con trai của bà, Rajiv Gandhi (1944-1991). Rajiv là một phi công hàng không dân dụng, miễn cưỡng bước vào chính trường chỉ vì khi ấy đảng Quốc Đại đang thiếu người dẫn dắt. Rajiv Gandhi bị đánh bại trong cuộc tuyển cử năm 1989, và vào lúc ông đang sẵn sàng trở lại với quyền lực thì bị ám sát bởi một kẻ đánh bom cảm tử, người này bị nghi là có dính líu đến tổ chức Hổ Tamil (LTTE). Ông để lại người vợ góa Sonia và hai con, Rahul và Priyanka.

Arun Nehru, anh em họ của Rajiv Gandhi, là bộ trưởng năng lượng rồi bộ trưởng nội vụ trong chính phủ Gandhi, nhưng lại bỏ sang đảng đối thủ Janata Dal.